Có nên sử dụng Chatbot AI trong dạy và học?

Chatbot AI là một phần của làn sóng AI mới có thể tạo ra các câu trả lời có tính gắn kết cao, giống như con người. Tuy nhiên, Chatbot AI liên tục bị chỉ trích vì những lo ngại rằng Chatbot này có thể giúp học sinh, sinh viên gian dối trong học tập.

Vậy nhưng khi các Chatbot AI đang dần “lấn sân” lĩnh vực giáo dục, các chuyên gia của đại học nổi tiếng South Australia lại đang khuyến khích giáo viên đóng vai trò tích cực trong việc thử nghiệm và sử dụng các công cụ tiên tiến này để duy trì lợi thế cạnh tranh trong nghề nghiệp của họ.

Chuyên gia quốc tế về trí tuệ nhân tạo (AI) và giáo dục, giáo sư George Siemens của Đại học South Australia, cho biết, nhìn một cách tổng quát, AI sẽ tạo cơ hội cho giáo viên.

Giáo sư Siemens nói: “Chatbot, chẳng hạn như ChatGPT, là những sự đổi mới. Thay vì tránh hoặc cấm những công cụ này, sẽ có lợi hơn nhiều nếu giáo viên khám phá và thử nghiệm chúng để hiểu rõ hơn về những gì chúng có thể làm được.”

Vậy có nên hay không việc sử dụng Chatbot AI trong dạy và học? Trong bài viết dưới đây, ba mẹ, thầy cô giáo hãy cùng tìm hiểu về Chatbot AI và sự ảnh hưởng của nó tới giáo dục con trẻ nhé!

1. Chatbot AI là gì?

Chatbot AI là một chương trình kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) và ngôn ngữ lập trình NLP để tương tác với con người. Công cụ này được sử dụng để trả lời những gì người dùng thắc mắc. Nguyên tắc hoạt động của chatbot AI theo 2 bước cốt lõi là phân tích yêu cầu của người dùng và gửi lại phản hồi. Đầu tiên nó sẽ phân tích yêu cầu của người dùng để xác định ý định và phân tích đưa ra câu trả lời tối ưu nhất. Tiếp đến, nó sẽ gửi phản hồi phù hợp nhất đến người dùng thông qua các phân tích trên.

2. Những lo ngại về việc sử dụng AI trong giáo dục

Theo một cuộc khảo sát với 1.000 sinh viên đại học do Tạp chí Intelligent thực hiện cho thấy gần 60% sinh viên đã sử dụng chatbot trên hơn một nửa số bài tập của họ và 30% trong số họ đã sử dụng Chatbot AI để hỗ trợ các bài viết luận. Trên thực tế các nhà nghiên cứu và chính Open AI cũng thừa nhận rằng điểm yếu của ChatGPT (ứng dụng Chatbot AI thịnh hành nhất hiện nay) với hãng kiểm chứng thông tin Newsguard: “Kẻ xấu có thể biến ChatGPT thành vũ khí bằng cách tinh chỉnh mô hình của ChatGPT với dữ liệu của họ, có thể bao gồm những thông tin sai sai lệch hoặc giả mạo”, điều này có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho ngành giáo dục. Lo ngại về sự lạm dụng của học sinh với Chatbot AI với các mục đích không tốt như đạo văn, hay tiếp cận kiến thức không chính thống, có thể làm mất đi kỹ năng học tập của học sinh, một số trường đại học nổi tiếng thế giới tại Ấn Độ, Mỹ và Pháp đã xem xét cấm học sinh sử dụng Chatbot AI. 

Ngoài ra, Chatbot AI là có thể khiến cho người sử dụng cảm thấy như đang trò chuyện với một người thật. Tùy từng Chatbot AI, người dùng có thể trò chuyện về các chủ đề khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp, từ mối quan hệ xã giao đến thân mật, thậm chí cả các vấn đề nhạy cảm, riêng tư.

Có nhiều chatbot không có quản trị viên, không có con người kiểm tra các nội dung có phù hợp hay không. Vì thế cha mẹ cần để ý khi trẻ dành nhiều thời gian với những “người bạn” AI. Nếu không được hướng dẫn hay quản lý, trẻ có thể bị những ứng dụng này khơi dậy trí tò mò đến mức bị thao túng, dẫn đến những tình huống có hại cả về thể chất và tinh thần.

3. Hiểu AI để dùng AI hiệu quả

Trên EducationWeek ngày 12/2/2023, nhà sáng lập Khan Academy, Sal Khan, chia sẻ quan điểm: không nên cấm Chatbot AI. Sal Khan tin rằng, nhiều ngành nghề trong tương lai sẽ cần sử dụng LLM (mô hình ngôn ngữ lớn). Chính vì vậy, thúc đẩy sự phát triển Chatbot AI sẽ giúp trẻ trong việc tìm hiểu về công nghệ mang tính cách mạng này cũng như phát triển các kỹ năng hữu ích cho thị trường lao động trong tương lai.

  • Đối với học sinh

Trong bối cảnh giáo dục, việc sử dụng Chatbot AI có thể đem lại nhiều lợi ích với học sinh.

Chatbot AI sẽ biến tương lai nơi mà học sinh có thể luyện tập kỹ năng đọc hiểu và kỹ năng viết cùng một lúc trở nên khả thi hơn, đem đến trải nghiệm học tập mà mọi trẻ em đều được hướng dẫn viết bài ngay lập tức với nội dung cá nhân hóa cho từng em. Khan Academy sẽ có thể thiết kế các hoạt động như đưa ra một đoạn văn tham khảo, có thể là một điều khoản trong Hiến pháp hay một bài phát biểu nổi tiếng, còn học sinh sử dụng AI để viết một bài luận chất lượng dựa trên nguồn tham khảo chính đó.

Tương tự như một gia sư, Chatbot AI Khanmigo có thể định hướng tư duy cho từng học sinh và xử lý vấn đề trong bài tập.

Trên thực tế, giáo viên đứng lớp thường sẽ phải làm việc trực tiếp với 30 – 45 học sinh. Bởi vậy, nhiều giáo viên thường bị quá tải trong việc hỗ trợ học sinh nhanh chóng khi học sinh cần. Chính vì vậy, Chatbot AI là một giải pháp hỗ trợ phản hồi cho học sinh tìm hiểu thông tin nhanh chóng và chuẩn xác trong quá trình học tập và giảm thiểu thời gian chờ đợi vài ngày tới một tuần để nhận phản hồi từ giáo viên. 

Ví dụ, trong năm học 2016/2017, Đại học bang Georgia ​​đã triển khai một Chatbot AI giúp các sinh viên mới sớm hòa nhập môi trường Đại học. ​​Chatbot AI có thể trả lời bất cứ điều gì một sinh viên mới cần biết về Đại học. Trong tháng đầu tiên ra mắt chatbot đã có 71% tỷ lệ tương tác với sinh viên mới. Và với 3.000 sinh viên sử dụng chatbot này, gần 50.000 văn bản đã được trao đổi. Hơn nữa, Chatbot trả lời câu hỏi hiệu quả đến mức chỉ có 1% câu hỏi được chuyển cho nhân viên trường đại học giải quyết.

  • Đối với giáo viên

Từ kho dữ liệu số khổng lồ, Chatbot AI giúp giáo viên tạo các bài giảng và giáo án chất lượng cao, được cá nhân hóa, phù hợp với nhu cầu và sở thích của học sinh.

Ví dụ, thầy cô giáo chỉ cần thông qua giao tiếp với Chatbot AI bằng các cuộc hội thoại để truy xuất thông tin chính xác theo từng đặc điểm lớp để soạn bài giảng phù hợp nhu cầu.

Chatbot AI sử dụng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, những công cụ này có thể phân tích dữ liệu kiến thức từ giáo án của thầy cô giáo sau đó cung cấp các câu hỏi kiểm tra giúp học sinh cải thiện khả năng tiếp thu kiến thức và tư duy.

Chatbot AI giáo dục còn có thể hoạt động như một người trợ giảng tâm huyết hỗ trợ thầy cô giáo phản hồi học sinh những tác vụ thường ngày. Điểm khác biệt của Chatbot AI trong giáo dục là nó không đưa ra câu trả lời trực tiếp hoặc làm bài tập thay học sinh. Thay vào đó, các câu trả lời của chatbot chỉ mang tính gợi ý, dẫn dắt để học sinh tự tìm câu trả lời.

Ví dụ, Viện công nghệ Georgia Georgia Tech là một trường đại học khác ở Peach State (Mỹ) đang sử dụng chatbots. Một giáo sư khoa học máy tính đã chọn sử dụng công nghệ này để làm một trong chín trợ giảng của mình. Trung bình giáo sư có khoảng 10.000 bài đăng khác nhau lên nền tảng trực tuyến mỗi học kỳ cho hơn 300 học viên. Chatbot có thể giải quyết 40% các câu hỏi được đăng, điều này cho phép các trợ giảng khác giải quyết các công việc cấp cao hơn.

Hay, Đại học Harvard, một trong những trường đại học hàng đầu tại Mỹ và thế giới, thông báo sẽ sử dụng chatbot AI thay cho trợ giảng trong lớp học lập trình từ học kỳ mùa Thu năm 2023.

​​Thậm chí Chatbot AI có thể phân tích các kỹ năng học tập và những điểm cần cải thiện của học sinh để hỗ trợ thầy cô giáo điều chỉnh nội dung bài dạy và giao bài tập online cho từng cá nhân sinh viên, hoặc nhóm sinh viên.

Ngoài ra, Chatbot AI đang khiến các nhà giáo dục buộc phải cân nhắc những kiến thức, kỹ năng cần thiết phải đưa vào chương trình giảng dạy để giúp học sinh học tập hiệu quả, phòng tránh các rủi ro mà Chatbot AI có thể mang lại. Trong “Bài học 2: AI trong lớp học: Các hoạt động đầy hứa hẹn” của Khoá học “AI trong giáo dục” của Khan Academy có định hướng các đề xuất về phương án để thích ứng trong bối cảnh AI ngày càng phổ biến​​:

  • Tổ chức hoạt động nhận xét và đánh giá luận đề
  • Yêu cầu học sinh giải thích về quá trình học tập cùng AI
  • Giáo dục học sinh về tính liêm chính trong học thuật

Tóm lại, chatbot AI sẽ không còn là “mối lo ngại” mà ngược lại, trở thành “trợ thủ” đắc lực trong dạy và học khi giáo viên và học sinh có kiến thức vững chắc về cách AI vận hành và phương pháp ứng dụng AI hiệu quả.

Tham khảo ngay các giải pháp thực tiễn để chống gian lận bằng AI tại khoá học “AI trong giáo dục”!

Bài viết liên quan

Tổng hợp những cập nhật mới nhất về kỳ tuyển sinh đại học năm 2025

Năm 2025 được coi là cột mốc quan trọng đối với hệ thống tuyển sinh...

Cập nhật lịch thi SAT năm 2025

SAT (Scholastic Assessment Test) là một trong những kỳ thi chuẩn hóa hàng đầu dành...

Chuyển đổi số không đơn thuần là đưa bài giảng dạy trực tiếp lên môi trường mạng

GDVN – “Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là mang những bài giảng từ...

The Vietnam Foundation và Công ty Hoàng Long Computer ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác

Ngày 12/12/2024, Tổ chức The Vietnam Foundation (VNF) đã có buổi ký kết hợp tác...

9 công cụ AI dành cho giáo viên giúp tiết kiệm thời gian soạn bài giảng 

Các công cụ AI dành cho giáo viên ngày càng trở nên phổ biến và...