Tại xã vùng cao La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), nơi cuộc sống còn nhiều khó khăn và thiếu thốn, giáo dục luôn là một hành trình đầy gian nan. Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & Trung học cơ sở (PTDTBT TH&THCS) La Pán Tẩn, với phần lớn học sinh là người dân tộc Mông, cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn do điều kiện cơ sở vật chất hạn chế và văn hóa đặc thù. Tuy nhiên, học sinh nơi đây đang cho thấy nhiều triển vọng tích cực thông qua ứng dụng nền tảng học tập trực tuyến, từ việc củng cố kiến thức hiệu quả tới trang bị những kỹ năng công nghệ thông tin cần thiết.
Nỗ lực đưa con chữ về bản
Trường PTDTBT TH&THCS La Pán Tẩn hiện có hơn 1.000 học sinh, với 90% học sinh ở bán trú tại trường từ thứ 2 đến thứ 7. Vì vậy, trường học chính là “ngôi nhà thứ hai” của các em. Tuy rằng thầy cô sẽ vất vả hơn khi vừa giảng dạy và hướng dẫn học tập, vừa chăm sóc bữa ăn giấc ngủ của học sinh, nhưng toàn thể đội ngũ giáo viên trong nhà trường đều vô cùng tâm huyết và mong muốn tạo điều kiện tốt nhất cho các em. “Có những hôm thầy cô lên lớp cả sáng và chiều, tối về nhà ăn cơm rồi lại lên trường vì học sinh mong muốn được hướng dẫn thêm”, thầy Nguyễn Thanh Hiệu, Phó hiệu trưởng trường chia sẻ.
Học sinh của trường đa số là người dân tộc Mông, nhiều em vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên thường xuyên bỏ học để phụ giúp gia đình, do đó các thầy cô giáo luôn nỗ lực để “níu chân” học sinh đến trường, đem đến những bài học dễ hiểu và hấp dẫn cho các em. Trong xu hướng giáo dục hiện nay, ứng dụng công nghệ chính là giải pháp thức thời. Tại các tỉnh miền xuôi, việc học tập trực tuyến không còn xa lạ nhưng với các em học sinh La Pán Tẩn, đây mới là lần đầu tiên các em được tiếp xúc với những bài giảng bằng video và những bài tập tương tác sinh động.
Từ tháng 12 năm 2023, với quyết tâm thổi làn gió mới trong dạy và học môn Toán, thầy và trò trường PTDTBT TH&THCS La Pán Tẩn bắt đầu ứng dụng nền tảng Khan Academy để bổ trợ cho chương trình trên lớp. Ngoài giờ học chính khoá, các thầy cô sẽ hướng dẫn học sinh sử dụng máy tính để xem thêm video bài giảng và làm các bài luyện tập trên lớp cũng như tại nhà vào cuối tuần. Mặc dù rất phấn khởi khi nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía học sinh và phụ huynh, nhà trường vẫn cần giải quyết khó khăn lớn trước mắt – khó khăn về cơ sở vật chất. Theo thầy Hiệu, “Trường có hơn 1.000 học sinh nhưng chỉ có 1 phòng máy với 29 máy tính. Năm học này, nhà trường mới trang bị thêm 4 máy tính trong phòng chờ giáo viên để học sinh có thể sử dụng khi cần. Tuy nhiên, với số lượng hạn chế như vậy nên các em học sinh phải chia ca, thời gian sử dụng không nhiều. Có đôi khi thầy cô phải bố trí cả thời gian buổi tối để hướng dẫn các em sử dụng máy tính học tập”. Ngoài sự thiếu thốn về thiết bị, thầy và trò cũng thường xuyên gặp tình trạng mạng “đơ” khi đang học, để lại nhiều sự hụt hẫng cho những đứa trẻ đang háo hức khám phá công cụ mới.
Song, khó khăn không có nghĩa là bỏ cuộc. Từ khi bắt đầu học tập trên Khan Academy, các em học sinh La Pán Tẩn đã dần hình thành niềm yêu thích đặc biệt với môn Toán, đồng thời bắt đầu trang bị cho bản thân những kỹ năng hữu ích để bắt kịp với sự phát triển của xã hội, sẵn sàng hội nhập cùng bạn bè tại các thành phố lớn.
Học tập trực tuyến mở ra những cánh cửa mới
Theo thông tin phóng viên tham khảo từ Báo cáo Tóm tắt Giáo dục Việt Nam do tổ chức UNICEF công bố năm 2022, 77% trẻ em người Mông không có kỹ năng làm Toán cơ bản. Chỉ hai năm sau, những học sinh người Mông tại La Pán Tẩn đã cho chúng tôi thấy một bức tranh rất khác – một thế hệ mới có thể học tốt, và tự học Toán trên Internet.
“Em học Toán không tốt. Mới đầu kể cả có vừa dùng nền tảng Khan Academy vừa học trên lớp thì cũng chưa hiểu hết bài. Nhưng sau một tháng rưỡi kiên trì xem đi xem lại video và làm bài đến khi đúng hết thì bây giờ em không còn cảm thấy khó khi học Toán nữa, lúc học bài mới trên lớp cũng thấy rất dễ hiểu”, em Thào Thị Blà – học sinh lớp 8 trường PTDTBT TH&THCS La Pán Tẩn vui mừng chia sẻ. Thông thường, em Blà dành 20-30 phút mỗi ngày để ôn bài trên Khan Academy, kết hợp học tại phòng Tin học của trường và tự học bằng điện thoại vào buổi tối.
Với em Lý A Sở – học sinh lớp 7, phần bài tập và lời giải là nội dung em yêu thích nhất. “Em thấy bài tập trên Khan rất hay, em không cảm thấy chán khi làm. Phần giải thích cũng rất dễ hiểu, em có thể tự đọc và làm lại được mà không cần nhờ thầy cô giảng lại”. Cũng giống như A Sở, em Lý Hạ Du – học sinh lớp 6 cũng bày tỏ sự thích thú với các dạng bài tập phong phú trên nền tảng. “Em thấy bài tập rất hay, phần video và giải thích bài tập cũng rất dễ hiểu”. Đặc biệt, chỉ sau vài tháng học tập trên Khan Academy, Hạ Du vô cùng tự hào khi đã tăng thêm được từ 1 đến 2 điểm Toán trong các bài kiểm tra. Dù đây không phải một kết quả “bứt phá” nhưng cũng là nguồn động lực to lớn để em tiếp tục phấn đấu trong học tập.
Thầy Hiệu cũng khẳng định “Học trên Khan giúp các em học tốt môn Toán hơn, vì các em được luyện đi luyện lại mà không gặp áp lực nào. Hơn nữa các em cũng dần hình thành được kỹ năng tự học, đây là điều rất tích cực”. Quả thực, mỗi học sinh La Pán Tẩn dù với xuất phát điểm khác nhau nhưng đều có điểm chung đó là sau 1 thời gian kết hợp học trên lớp và nền tảng Khan Academy, các em hầu như không còn cần thầy cô hỗ trợ thêm với những bài đã học. Các em hoàn toàn chủ động học tập thông qua video bài giảng và phần hướng dẫn, “nếu có bài khó thì tự trao đổi với nhau và bài nào khó quá thì mới cần thầy cô trợ giúp” – Hạ Du chia sẻ. Đặc biệt với những gia đình người Mông có bố mẹ thường xuyên bận rộn đi làm, học sinh cũng cần tranh thủ học bài để phụ giúp việc nhà, việc tự học hiệu quả giúp tiết kiệm thời gian không chỉ cho các em mà cho cả gia đình và thầy cô. Theo anh Lý A Say – bố em Lý Hạ Du, “Bố mẹ đi làm đến tối nên không có thời gian học cùng con. Thấy con tự học trên Khan được tôi rất yên tâm”.
Không chỉ tiến bộ trong môn Toán, việc làm quen với một nền tảng học tập trực tuyến còn giúp học sinh nơi đây trang bị những kỹ năng công nghệ thông tin cần thiết, sử dụng máy tính thành thạo và sẵn sàng bắt kịp xu thế công nghệ số.
Một thế hệ tương lai tự tin làm chủ công nghệ
Trước khi tham gia học tập trên Khan Academy, học sinh trường PTDTBT TH&THCS La Pán Tẩn chưa từng làm quen với nền tảng học tập trực tuyến nào trước đây, vì vậy xen lẫn những háo hức ban đầu là đôi chút bối rối vì…không quen sử dụng máy tính. “Em rất ít khi được dùng máy tính nên lúc đầu cũng chưa quen thao tác trên Khan”, A Sở thừa nhận, “Nhưng sau 1 thời gian thì em đã biết đánh máy, tìm kiếm thông tin và chuyển trang nhanh hơn”. Còn với Blà, việc duy trì thói quen học tập trên Khan Academy cũng giúp em tự tin hơn với kỹ năng sử dụng máy tính và Internet của mình, đặc biệt còn bổ trợ môn Tin học trên trường. “Hồi trước em thấy học Tin rất khó hiểu, bây giờ thì thấy dễ và vui hơn nhiều!”
Công nghệ số trước đây thật lạ lẫm và khó hiểu, nay đã trở thành “người bạn” đồng hành cùng các em học sinh tiến xa trên con đường tri thức cũng như con đường phát triển trong tương lai. “Những kỹ năng công nghệ thông tin mà các em đồng thời học được trong quá trình ôn tập Toán trên Khan Academy là những kỹ năng vô cùng thiết thực và hữu ích. Cho dù trong học tập hay sau này khi đi làm, đây chính là chìa khoá để các em bắt kịp với các bạn tại những nơi có điều kiện thuận lợi hơn, từ đó trở thành những cá nhân ưu tú và thành công, góp phần xây dựng quê hương đất nước”, thầy Hiệu khẳng định.
Với những học sinh La Pán Tẩn, công nghệ không chỉ chắp cánh cho ước mơ của chính các em mà còn mở ra tương lai đầy hứa hẹn cho những con người quê hương. Công nghệ học tập trực tuyến giúp rút ngắn khoảng cách tới cánh cổng trường Sư phạm của cậu học trò Lý A Sở, nuôi dưỡng đam mê trở thành giáo viên để trở về đóng góp cho quê nhà. Kỹ năng công nghệ trở thành “bí kíp” mà Hạ Du ấp ủ dạy lại cho em trai, để em trai có thể “học tốt và làm việc tốt”. Và cách sử dụng máy tính, điện thoại cơ bản cũng là những điều Blà mong muốn hướng dẫn cho bố mẹ và người thân, để cuộc sống được cải thiện và “mọi người đỡ vất vả hơn”.
Và cứ như vậy, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, để giấc mơ về những bản làng hiện đại nơi núi rừng Tây Bắc không còn xa vời. Tương lai không xa sẽ có một xã La Pán Tẩn phát triển, và những người con La Pán Tẩn dù có đi đến đâu cũng có đủ tri thức và kỹ năng để tự chủ, hội nhập và phát triển.
Bài viết liên quan
Tổng hợp những cập nhật mới nhất về kỳ tuyển sinh đại học năm 2025
Năm 2025 được coi là cột mốc quan trọng đối với hệ thống tuyển sinh...
Th12
Cập nhật lịch thi SAT năm 2025
SAT (Scholastic Assessment Test) là một trong những kỳ thi chuẩn hóa hàng đầu dành...
Th12
Chuyển đổi số không đơn thuần là đưa bài giảng dạy trực tiếp lên môi trường mạng
GDVN – “Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là mang những bài giảng từ...
Th12
Từ định kiến tới đam mê: Khi giáo dục trực tuyến mở rộng cánh cửa đưa nữ giới tới “miền đất” STEM
Theo báo cáo của UNESCO, tỷ lệ phụ nữ và trẻ em gái lựa chọn...
Th12
The Vietnam Foundation và Công ty Hoàng Long Computer ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác
Ngày 12/12/2024, Tổ chức The Vietnam Foundation (VNF) đã có buổi ký kết hợp tác...
Th12
9 công cụ AI dành cho giáo viên giúp tiết kiệm thời gian soạn bài giảng
Các công cụ AI dành cho giáo viên ngày càng trở nên phổ biến và...
Th12