Ngày 28/02 – 29/02, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) phối hợp với tổ chức The Vietnam Foundation (VNF), Khan Academy và Hội Giảng dạy Toán học phổ thông (AME) tổ chức Hội thảo quốc tế “Trí tuệ nhân tạo và tương lai của giáo dục”. Hội thảo đã vinh dự đón tiếp ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà Melissa Bishop, Phó Đại sứ của Phái đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam, cùng các lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học công nghệ, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, Viện nghiên cứu, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, đối tác của VNF, VIASM, AME và hơn 40 diễn giả, học giả đến từ 17 quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, hội thảo còn có sự tham dự của 2 vị khách quý đó là GS.TSKH Trần Văn Nhung, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nguyên thành viên Hội đồng khoa học của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán; TS. Nguyễn Hữu Độ, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.
Trí tuệ nhân tạo góp phần định hình tương lai của giáo dục
Phát biểu tại phiên khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định: “Chúng ta đang chứng kiến những đột phá đáng kinh ngạc của trí tuệ nhân tạo (AI) trong thời gian gần đây. Là những người làm giáo dục, chúng ta đều thấy cần phải nghĩ, phải hiểu và làm những việc cần thiết khi AI đang lan tỏa rất nhanh tới giáo dục.”
Tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 theo Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan thực hiện các nhiệm vụ về Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, trong đó một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt chính là thúc đẩy phát triển và triển khai các ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục như: dự đoán nhu cầu công việc của thị trường; xác định tiêu chí đánh giá sinh viên, hỗ trợ sinh viên xác định được thế mạnh việc làm khi tốt nghiệp; tự động hóa quy trình nghiệp vụ của giáo viên; xác định các tiêu chí nhằm đạt mục tiêu học tập; cá nhân hóa việc học tập, nâng cao hiệu quả học tập có sự trợ giúp của giáo viên và trợ giảng ảo; hỗ trợ nâng cao nhận thức của sinh viên…. Chính vì vậy, Thứ trưởng cho rằng hội thảo lần này sẽ mở ra những ý tưởng mới góp phần ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào trong giáo dục hiệu quả, là một dịp quan trọng để các diễn giả, đại biểu làm việc cùng nhau nhằm hiện thực hóa tiềm năng của AI trong giáo dục.
Đồng ý với quan điểm trên, bà Melissa Bishop, Phó Đại sứ của Phái đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng đánh giá rất cao những tiềm năng của trí tuệ nhân tạo đối với nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Về phía chính phủ Hoa Kỳ có nhiều dự án đã, đang và sẽ triển khai tại Việt Nam để thúc đẩy ứng dụng AI. Bà cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam chặt chẽ, sâu rộng hơn nữa để hiện thực hóa ứng dụng AI trong việc cải thiện chất lượng giáo dục và đảm bảo hội nhập có đạo đức, công bằng và hiệu quả.
Tiếp nối bài phát biểu của bà Melissa Bishop, PGS.TS. Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cũng đã chia sẻ những tiềm năng của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục. Đặc biệt, PGS.TS. Lê Minh Hà đã sử dụng một bài thơ được viết bởi AI để nhấn mạnh trí tuệ nhân tạo sẽ là một phương tiện đồng hành cùng chúng ta trên con đường gặt hái tri thức, xây đắp tương lai. Và ông cũng khẳng định, buổi hội thảo là cơ hội để chúng ta cùng nhìn lại những thành tựu cũng như thách thức của AI, thông qua đó cùng bàn luận để đưa ra những phương pháp sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Tiếp tục chủ đề xoay quanh ứng dụng của AI trong giáo dục, ông Sal Khan, nhà sáng lập Khan Academy đã dẫn lại kết quả của mô hình Bloom (6 cấp độ tư duy), minh chứng hiệu quả học sẽ tăng 30% nếu học sinh học gia sư riêng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chi phí thuê gia sư 1:1 đắt đỏ, trong khi không phải gia đình nào cũng có điều kiện. Ông thấy rằng AI có thể giải quyết việc này. Chính vì vậy, ông cho rằng “cũng như Internet, Google, sẽ là vô lý nếu chúng ta ngăn học sinh tiếp cận AI”. Dựa trên nền tảng OpenAI, Khan đang thử nghiệm mô hình AI gia sư có tên Khanmigo. Thay vì trả lời trực tiếp và giải luôn bài tập cho học sinh, công cụ này đưa ra các gợi ý, kiến thức liên quan tới vấn đề, từ đó giúp các em tìm được hướng giải quyết. Ngoài ra, giáo viên và phụ huynh được trao quyền để giám sát nội dung trao đổi giữa học sinh với AI, đảm bảo các em sử dụng đúng mục đích học tập. “Tôi nghĩ đây là cách AI vừa hỗ trợ việc học, lại không khiến học sinh mất động lực”, Khan nói, cho biết sẽ phát triển rộng rãi mô hình AI gia sư này, nếu kết quả thử nghiệm khả quan.
Tại hội thảo, Sal Khan cũng đã trực tiếp chia sẻ về Khanmigo với các tính năng dành riêng cho giáo viên. Đội ngũ giáo viên cũng có thể sử dụng Khanmigo để lên kế hoạch cho bài học, tạo các hoạt động và cung cấp các khái niệm. Ông cũng bày tỏ rằng mặc dù ban đầu có lo ngại về việc sử dụng AI để gian lận nhưng nó đã được chứng minh là một công cụ mạnh mẽ cho cả học sinh và giáo viên.
Tiếp nối phần chia sẻ, xoay quanh chủ đề ứng dụng AI vào dạy và học Toán tại Việt Nam, GS.TS. Lê Anh Vinh, Chủ tịch Hội giảng dạy Toán học phổ thông Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đã chỉ ra những khó khăn, thách thức cho học sinh và giáo viên tại Việt Nam, điển hình là hạn chế về số lượng và chất lượng tài nguyên học tập. Bên cạnh đó, Giáo sư cũng đã chỉ ra những công cụ AI đã được ứng dụng vào giáo dục như nền tảng Got It, chatGPT, Khan Academy,… đồng thời nhấn mạnh rằng những công cụ trên có thể góp phần thực hiện mục đích của việc dạy và học Toán là phát triển khả năng tư duy, lý luận logic, khả năng đặt vấn đề và giải quyết vấn đề của học sinh. “Nếu các em đặt câu hỏi mà chúng ta không trả lời được thì các em sẽ đi tìm câu trả lời ở AI. Vì vậy, tôi cho rằng câu câu trả lời của người thật phải hay hơn AI”. GS.TS. Lê Anh Vinh cho rằng, AI sẽ góp phần giúp học sinh giải được các bài toán nhanh hơn, giúp các em yêu môn toán, hiểu tầm quan trọng của học toán, từ đó phát triển tư duy kỹ năng của các em. Do đó, nhiệm vụ của thầy cô giáo chính là định hướng cho học sinh, quan tâm đến học sinh thay vì chú trọng quá nhiều vào điểm số. Điều này giúp học sinh tìm ra được gốc rễ của môn học và hứng thú hơn trong quá trình học tập. Còn giáo viên thì hoàn toàn có thể ứng dụng AI để tạo ra những bài giảng chất lượng cũng như đánh giá học sinh một cách nhanh chóng.
Tiếp diễn buổi hội thảo, các chuyên gia và học giả trong nước và quốc tế đã cùng nhau thảo luận về tác động của trí tuệ nhân tạo đến tương lai của giáo dục. Đồng thời, các học giả cũng đề xuất những giải pháp quan trọng để tăng cường hiệu quả và giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của trí tuệ nhân tạo đối với lĩnh vực giáo dục.
Cụ thể trong phiên tọa đàm số 1, các học giả đã cùng thảo luận về những phương pháp đánh giá hiệu quả học tập của học sinh trong thời đại số, trong đó chương trình PISA đã nhận được nhiều sự quan tâm. Tại Việt Nam, cùng với Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, Việt Nam tiếp tục tham gia PISA chu kỳ 2022 và các chu kỳ tiếp theo để đánh giá năng lực người học một cách bài bản, khoa học, sử dụng PISA để kiểm chứng cách dạy và học tại Việt Nam đã thực sự đáp ứng được yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế về giáo dục. Nhận định về chương trình này, TS. Tăng Thị Thùy đang công tác tại Đại học giáo dục – Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng: “Muốn đo lường hiệu quả của chương trình PISA áp dụng cho Việt Nam thì chúng ta nên có hệ số và đánh giá tác động tới kết quả bài làm của học sinh. Song song đó, chúng ta cần có những thử nghiệm cho chương trình này”.
Có thể nói chương trình PISA khi ứng dụng ở mỗi nước sẽ có những đặc thù khác nhau, do vậy để triển khai thực sự có hiệu quả cần nhiều thời gian thử nghiệm. Đồng ý với quan điểm của TS. Tăng Thị Thùy, học giả Rosalina Laskova – Đại diện Khan Academy Bulgaria chia sẻ: “Mỗi quốc gia có tình hình triển khai thực tế khác nhau nhưng cách thực hiện hiệu quả nhất chính là chú trọng vào việc hỗ trợ giáo viên. Bởi vì chúng ta không thể có kết quả giáo dục tốt mà không có yếu tố này. Và đây có lẽ là yếu tố quan trọng nhất. Ít nhất là ở quốc gia của tôi, các cuộc thảo luận không chỉ xoay quanh điều này, mà đặc biệt là về chất lượng đào tạo giáo viên, hỗ trợ giáo viên để họ có thể đảm nhận vai trò mới của họ, vai trò của người hướng dẫn”. Ông Rosalina Laskova cũng dẫn chứng trường hợp nghiên cứu tại Macau để thấy rằng rất nhiều giáo viên của họ dành ít thời gian hơn cho việc giảng dạy. Họ sử dụng nhiều thời gian hơn để liên lạc với phụ huynh, để xây dựng mối quan hệ. Bởi vì đây cũng là một khía cạnh rất thú vị khác mà nảy ra từ các kết quả, mà không có sự hỗ trợ từ phụ huynh, một giáo viên không thể làm nhiều. Hoặc trường hợp tại Wales họ không cải cách giáo dục nhỏ lẻ mà thực hiện cải cách toàn bộ hệ thống và đồng bộ – về chương trình học, sự chuẩn bị và chất lượng giáo viên, năng lực lãnh đạo, kiểm tra đánh giá …
Cũng theo các học giả để có thể đạt được những yếu tố trên nhằm đảm bảo triển khai chương trình PISA hiệu quả thì ứng dụng công nghệ vào giảng dạy kết hợp với cải cách chính sách, chương trình học, chất lượng giáo viên… mới có thể đạt hiệu quả đồng bộ. Điều này, đã được thảo luận khá sâu trong tọa đàm 2 với chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục”.
Chia sẻ về vấn đề dùng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ giáo viên, nâng cao chất lượng giáo viên, chuyên gia Stacey Johnson – Trưởng bộ phận Bồi dưỡng chuyên môn tại Khan Academy cho rằng ban đầu bà khá nghi ngờ về AI: “Tôi đã làm việc với nó, và điều đầu tiên mà tôi làm là thử nghiệm việc sử dụng Trí tuệ Nhân tạo để đồng bộ với sách giáo trình, và AI đã không làm được công việc tốt. Điều đó khiến tôi khá thất vọng.” Tuy nhiên, hiện nay Khanmigo đã làm được khá tốt điều đó. Và ông cũng nhấn mạnh tác động của AI đối với giáo viên là điều cần đáng lưu tâm. Bởi giáo viên cần được trang bị kiến thức: “Đúng là AI rất thú vị và có thể thay đổi cách dạy và học hiện nay, nhưng chúng ta cần quan tâm hơn đến đội ngũ giáo viên để cảm thông và hỗ trợ họ, tập huấn chuyên môn kịp thời, không chỉ một hai lần mà cần làm có hệ thống lâu dài”.
Đồng tình với quan điểm trên, Giám đốc phòng thí nghiệm khoa học dữ liệu (VIASM), GS. Hồ Tú Bảo đưa ra ý kiến AI cung cấp giáo dục cá nhân hoá, hỗ trợ giáo viên rất nhiều trong khâu chuẩn bị bài giảng, đồng thời giúp học sinh trở nên tự tin, chủ động học tập hơn. Khả năng này của AI, cùng với môi trường mới như hiện nay, hoàn toàn có thể hỗ trợ nền giáo dục Việt Nam phát triển tốt hơn nữa. Ông Alain Schaeffer, học giả đến từ Khan Academy quốc tế cũng đánh giá cao về khả năng cá nhân hóa học tập của AI. Ông cũng bổ sung thêm rằng trí tuệ nhân tạo sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lĩnh vực giáo dục, cụ thể nó giúp giáo viên tiết kiệm 50% thời gian và cải thiện hiệu suất làm việc.
Bên cạnh những ý kiến đánh giá về tiềm năng của AI đối với giáo viên thì ông Dave Travis – Giám đốc Nội dung tại Khan Academy cũng chia sẻ thêm về ảnh hưởng của AI đối với học sinh và đưa ra ý tưởng để giúp học sinh vận dụng được trí tuệ nhân tạo một cách hiệu quả: “Kiến thức về trí tuệ nhân tạo không chỉ là video và bài viết, mà còn là một cách trình bày các yêu cầu cụ thể giúp học sinh hiểu cách trò chuyện với một hệ thống trí tuệ nhân tạo. Điều này bao gồm hướng dẫn các em cách đặt câu hỏi, cách nhận phản hồi, cách yêu cầu phản hồi, và thực sự tương tác với AI như một con người. Mục tiêu là giúp học sinh hiểu cách trò chuyện với một trợ giảng AI, hiểu các phản hồi, và tham gia vào một cuộc trò chuyện tương tác. Thách thức là tìm ra một phương pháp có thể mở rộng để triển khai những kỹ năng này cho tất cả học sinh và người học của chúng ta”.
Có mặt tại hội thảo, PGS.TS Lê Chí Ngọc, giảng viên khoa Toán – Tin, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đồng tình rằng công cụ AI mang tới rủi ro nhưng không thể ngăn cấm các em học sinh sử dụng AI bởi các em cũng cần thích ứng nhanh chóng với thời đại và phát triển các kỹ năng cần thiết. Vì vậy, ông cho rằng “việc cần làm là hướng dẫn học sinh, sinh viên dùng AI hiệu quả”.
Các chuyên gia từ 17 nước trên thế giới thảo luận nhằm ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong dạy và học
Trong phiên thảo luận vào buổi chiều cùng ngày, các diễn giả đại diện cho Khan Academy tại các quốc gia Brazil, Mỹ, Philippines, Peru, Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là kinh nghiệm triển khai nền tảng Khan Academy, trong giáo dục tại Việt Nam và các nước, nhằm rút ra những bài học quan trọng nhằm nâng cao chất lượng chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục.
Tại các quốc gia như Philippines, Peru, Việt Nam,… số lượng học sinh học tập trên nền tảng tích hợp trí tuệ nhân tạo như Khan Academy tăng lên đáng kể qua các năm. Đặc biệt, tại Việt Nam, đã có hơn 1 triệu tài khoản đăng ký Khan Academy với hơn 48 triệu phút học (tính tới hết năm 2023). Số liệu cũng cho thấy nhà trường, gia đình và bản thân các em học sinh đã thấy được lợi ích các nền tảng giáo dục trực tuyến tích hợp trí tuệ nhân tạo, góp phần giúp thầy, cô và học sinh tiến sát hơn tới nền giáo dục tân tiến của thế giới. Có mặt tại hội thảo, nhiều học giả ấn tượng với chương trình Toán học đang được giảng dạy tại Việt Nam. Các học giả nhận định đây là thuận lợi để các khóa học Toán trên Khan Academy được giáo viên và học sinh đón nhận.
Cũng tại buổi thảo luận, GS.TS Nguyễn Thị Doan – nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng công nghệ thông tin góp phần nâng cao chất lượng học tập, giúp cho người học đạt được hiệu quả cao hơn. Chính vì vậy, GS.TS Nguyễn Thị Doan khuyến khích việc giáo viên, học sinh, phụ huynh tự tìm kiếm nguồn tài nguyên giáo dục mở để học mọi lúc, mọi nơi. Chính vì vậy, việc sử dụng nền tảng Khan Academy để giảng dạy và học tập là một trong những lựa chọn tối ưu.
Tiếp nối Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo và tương lai của giáo dục”, ngày 29/02, hơn 40 chuyên gia, học giả tới từ 17 quốc gia đã cùng thảo luận về ứng dụng nền tảng Khan Academy trong chuyển đổi số dạy và học.
Tại phiên thảo luận này, các học giả đã nêu ra thực tế triển khai ứng dụng nền tảng Khan Academy tại các quốc gia, đồng thời nêu lên những khó khăn, thách thức và mục tiêu trong thời gian tới, nhằm tiếp tục phát triển nền tảng Khan Academy và “gia sư” ảo Khanmigo, góp lan tỏa lợi ích của ứng dụng AI vào giáo dục.
Bên cạnh đó, các chuyên gia, học giả đã tới thăm trường Tiểu học Quang Minh A (Mê Linh, Hà Nội), điểm trường tiêu biểu trong triển khai ứng dụng nền tảng Khan Academy trong dạy và học. Tại đây, các chuyên gia giáo dục đã cùng đội ngũ giáo viên tham gia tiết học mẫu, thảo luận những phương pháp học tập, cách ứng dụng công nghệ vào bài giảng… nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.
Có thể nói, hội thảo đã ghi nhận rất nhiều những góc nhìn, đánh giá và thảo luận của các diễn giả, đại biểu tham gia nhằm góp phần ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng như công nghệ thông tin hiệu quả vào trong dạy và học.
Đại diện ban tổ chức, PGS.TS. Lê Minh Hà khẳng định với những thảo luận sâu rộng trong hội thảo sẽ là tiền đề để chúng ta bắt đầu hiện thực hóa những tiềm năng của trí tuệ nhân tạo vào giáo dục tại Việt Nam. Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán sẽ tiếp tục thực hiện các nghiên cứu, tổ chức các diễn đàn thảo luận để trao đổi về các cách thức sử dụng hiệu quả trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy và học tập. Cùng thống nhất với tinh thần trên, ông Đỗ Ngọc Minh, đại diện tổ chức The Vietnam Foundation, đồng sáng lập chương trình Khan Academy Vietnam cho biết: “Với tư cách là một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận, đội ngũ The Vietnam Foundation luôn đồng hành chặt chẽ với các đối tác như Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Khan Academy, Hội Giảng dạy Toán học phổ thông, cũng như các Sở giáo dục trên khắp cả nước để có thể cập nhật những xu hướng mới nhất, hiệu quả nhất vào trong dạy và học. Từ đó, đem đến cơ hội học tập bình đẳng cho học sinh khắp mọi miền, giúp đội ngũ thầy cô tiếp cận công nghệ được nhanh nhất để nâng cao chất lượng chuyển đổi số giáo dục”.
Bài viết liên quan
Từ định kiến tới đam mê: Khi giáo dục trực tuyến mở rộng cánh cửa đưa nữ giới tới “miền đất” STEM
Theo báo cáo của UNESCO, tỷ lệ phụ nữ và trẻ em gái lựa chọn...
Th12
The Vietnam Foundation và Công ty Hoàng Long Computer ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác
Ngày 12/12/2024, Tổ chức The Vietnam Foundation (VNF) đã có buổi ký kết hợp tác...
Th12
Khan Academy Vietnam tạo “cú hích” để giáo dục Miền Đồi bứt phá chuyển đổi số
Chuyển đổi số đã và đang thay đổi diện mạo giáo dục trên khắp cả...
Th12
[Recap] Có gì tại buổi khai giảng lớp học miễn phí: HỌC SAT CHỦ ĐỘNG – CHẠM ƯỚC MƠ
Tối ngày 04/12/2024, buổi khai giảng đầu tiên của lớp học miễn phí: HỌC SAT...
Th12
Khoá học “Kiến thức tài chính cá nhân” hoàn toàn miễn phí giúp nâng cao năng lực tài chính cá nhân cho người Việt
Trong thời đại mà kỹ năng quản lý tài chính cá nhân ngày càng trở...
Th12
Tổ chức tập huấn tăng cường thực hiện Trường học mở KAV trên nền tảng Khan Academy tại Cao Phong (Hoà Bình)
Buổi tập huấn tăng cường của Khan Academy Vietnam (KAV) và Phòng Giáo dục &...
Th12