Ứng dụng công nghệ trong dạy và học tại Phú Thọ: Giáo viên là người hướng dẫn và truyền cảm hứng tự học cho học sinh

Công nghệ và chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, tác động mạnh mẽ đến hoạt động dạy và học trong các nhà trường. Việc thay đổi thói quen sử dụng công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của ngành giáo dục đã mang lại những đổi thay tích cực trong chất lượng giảng dạy, nhất là khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai. Tại trường Tiểu học Hùng Vương (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ), những cải tiến này không chỉ hỗ trợ giáo viên mà còn tạo điều kiện cho học sinh phát huy tính chủ động và sáng tạo trong học tập. 

“Bất kể tuổi tác, mọi giáo viên đều cần bắt kịp công nghệ số trong thời đại 4.0”

Việc cập nhật công nghệ là yêu cầu thiết yếu cho mọi giáo viên ở các cấp độ khác nhau, đặc biệt khi đa dạng các công cụ giảng dạy và học tập trực tuyến được đưa vào chương trình học tại các trường học trên toàn quốc, trong đó có tỉnh Phú Thọ. Tại trường Tiểu học Hùng Vương, từ đầu năm học 2024-2025, Ban Giám hiệu đã khuyến khích tất cả giáo viên – không phân biệt tuổi tác – làm quen và sử dụng nền tảng Khan Academy để phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại.

Ứng công nghệ không chỉ là yêu cầu mà còn là cơ hội để mỗi giáo viên mở rộng phương pháp giảng dạy, hỗ trợ học sinh học tập một cách chủ động. Với tính năng báo cáo tổng quan hoạt động trên Khan Academy, giáo viên có thể theo dõi sát sao tiến độ của từng học sinh, điều chỉnh phương pháp phù hợp với nhu cầu cá nhân và phát hiện các khó khăn kịp thời để hỗ trợ. Cô Chu Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Trước bối cảnh thời đại 4.0, chúng tôi luôn khuyến khích giáo viên học hỏi và ứng dụng công nghệ, không phân biệt tuổi tác. Khan Academy là nền tảng hữu ích, giúp giáo viên không chỉ quản lý tiến độ học tập của học sinh mà còn hỗ trợ các em phát triển kỹ năng tự học và tư duy Toán học. Học sinh rất hào hứng với các video bài giảng môn Toán trên Khan Academy, đặc biệt các em có thể xem lại nhiều lần, chủ động ôn lại kiến thức cũ mà không cần bố mẹ và thầy cô hỗ trợ.”

Việc nắm bắt dữ liệu học tập không chỉ giúp giáo viên quản lý dễ dàng mà còn tạo điều kiện để nhà trường đưa ra những điều chỉnh phù hợp, giúp mỗi học sinh đều có cơ hội phát triển theo nhu cầu và khả năng riêng. Đặc biệt, với cách thức này, giáo viên có thể linh hoạt trong việc giao bài và kiểm soát tiến độ làm bài của học sinh. Mỗi bài tập được giao có thời hạn từ 3-5 ngày để học sinh có thời gian ôn lại kiến thức cũng như cân đối thời gian học tập với các môn học khác, và học sinh có thể chủ động hoàn thành sớm trong khả năng. Với những em chậm tiến độ, giáo viên có thể phân loại nhanh chóng dựa trên báo cáo hoạt động của nền tảng và hỗ trợ, chỉ dẫn kịp thời trong buổi học tiếp theo.

Trường Tiểu học Hùng Vương (Phú Thọ) là một trong những trường trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ trong dạy và học hiệu quả

Lấy học sinh làm trung tâm trong mọi hoạt động giảng dạy và ứng dụng công nghệ

Việc áp dụng công nghệ tại trường Tiểu học Hùng Vương không chỉ dừng lại ở việc giúp giáo viên quản lý tiến độ học tập mà còn là một phần quan trọng trong việc thay đổi cách thức tiếp cận học sinh. Cô Chu Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Nhà trường luôn đặt học sinh làm trung tâm trong mọi hoạt động giảng dạy. Mọi sáng kiến trong chương trình học đều dựa trên trải nghiệm của học sinh. Nếu học sinh không hưởng ứng, giáo viên sẽ cân nhắc phản hồi và điều chỉnh phù hợp.”

Đặc biệt, nhà trường cũng đặt ưu tiên phát triển năng lực và các kỹ năng quan trọng theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Thông qua nền tảng Khan Academy, học sinh có thể tự do truy cập các bài học, xem lại bài giảng và thực hành bài tập bất kỳ lúc nào, từ đó rèn luyện kỹ năng tự học mà không phụ thuộc vào sự giám sát trực tiếp của giáo viên hay phụ huynh. Nhờ vào những công cụ này, học sinh không chỉ nắm vững kiến thức mà còn phát triển được các kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề.

Việc khuyến khích học sinh tự học, tìm tòi và sáng tạo không chỉ giúp các em củng cố kiến thức mà còn khơi dậy niềm đam mê học tập. Giáo viên đóng vai trò là người bạn đồng hành, tạo môi trường học tập linh hoạt và khuyến khích học sinh tham gia tích cực vào quá trình học. Cô Hằng chia sẻ thêm: “Nếu học sinh ham học và được hướng dẫn về về các công cụ, các em sẽ phát triển kỹ năng tự học rất tốt. Các thầy cô sẽ là người hướng dẫn, hỗ trợ, nhưng học sinh sẽ là người chủ động trong việc học của chính mình”.

Nhờ vào việc áp dụng công nghệ, mỗi học sinh tại trường Tiểu học Hùng Vương đều có thể học theo tiến độ và nhu cầu riêng, tạo ra một môi trường học tập tích cực và hiệu quả hơn bao giờ hết. Trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018, mỗi thầy cô giáo thấy được vai trò của mình không chỉ đơn thuần là người truyền thụ kiến thức mà còn là người định hướng và người bạn đồng hành cùng học sinh tiến xa trên con đường chinh phục tri thức, hoàn thiện bản thân.

Bài viết liên quan

The Vietnam Foundation và Công ty Hoàng Long Computer ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác

Ngày 12/12/2024, Tổ chức The Vietnam Foundation (VNF) đã có buổi ký kết hợp tác...

Khan Academy Vietnam tạo “cú hích” để giáo dục Miền Đồi bứt phá chuyển đổi số

Chuyển đổi số đã và đang thay đổi diện mạo giáo dục trên khắp cả...

[Recap] Có gì tại buổi khai giảng lớp học miễn phí: HỌC SAT CHỦ ĐỘNG – CHẠM ƯỚC MƠ

Tối ngày 04/12/2024, buổi khai giảng đầu tiên của lớp học miễn phí: HỌC SAT...

Tổ chức tập huấn tăng cường thực hiện Trường học mở KAV trên nền tảng Khan Academy tại Cao Phong (Hoà Bình)

Buổi tập huấn tăng cường của Khan Academy Vietnam (KAV) và Phòng Giáo dục &...