Tại Thanh Hóa, xu hướng giáo dục trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến như một giải pháp hiệu quả để đổi mới phương pháp dạy và học. Nhiều giáo viên đã và đang là những người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là nền tảng học trực tuyến Khan Academy (KAV), trong công tác giảng dạy cũng như đánh giá và quản lý học sinh. Những nỗ lực của họ không chỉ giúp nâng cao chất lượng học tập của học sinh mà còn khơi gợi niềm tin vào một tương lai giáo dục hiện đại tại địa phương.
Sự nhạy bén của các thầy cô giáo trường Tiểu học Hòa Lộc
Kể từ cuối năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Hòa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) bắt đầu triển khai nền tảng Khan Academy dưới sự chỉ đạo của thầy Trịnh Thanh Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường. Thầy Tuấn đã phối hợp chặt chẽ với cô Cao Tâm – người phụ trách chính việc triển khai chương trình Khan Academy Vietnam (KAV) tại trường để dẫn dắt các giáo viên khác làm quen với nền tảng học trực tuyến và xây dựng lộ trình học tập hiệu quả cho học sinh.
Ngay từ những ngày đầu, cô Tâm đã thể hiện sự nhạy bén và chủ động trong việc tìm kiếm giải pháp phù hợp với nhu cầu của học sinh. Cô đã liên hệ với đội ngũ hỗ trợ của KAV để tham khảo phương pháp phân bổ lượng bài tập hàng tuần sao cho phù hợp với khả năng của học sinh, đồng thời áp dụng tỷ lệ “Tinh thông” để quản lý tiến độ học tập của các lớp. Đây là một cách tiếp cận sáng tạo, giúp giáo viên không chỉ theo dõi mức độ hiểu bài mà còn kịp thời hỗ trợ học sinh gặp khó khăn. “Phần báo cáo thống kê tiến độ Tinh thông trên nền tảng rất hữu ích trong việc hỗ trợ giáo viên đánh giá học sinh. Dựa vào đó, giáo viên có thể dễ dàng phân nhóm các em dựa trên năng lực và mức độ hiểu bài, từ đó có kế hoạch bổ trợ khác nhau với từng nhóm”.
Tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng nhanh chóng làm quen với công nghệ mới, đặc biệt là những giáo viên có thâm niên lâu năm và đã quen thuộc với phương pháp giảng dạy truyền thống. “Các thầy cô có tuổi sẽ mất nhiều thời gian hơn để thao tác và học cách sử dụng nền tảng, nhưng ai cũng đều cố gắng hết sức vì lợi ích của học sinh. Trong mỗi giờ ra chơi, thầy cô sẽ tranh thủ hỗ trợ nhau sử dụng Khan, ai thành thạo rồi thì hướng dẫn thêm những người còn có khúc mắc”. Cô Tâm và các thầy cô giáo tại trường Tiểu học Hòa Lộc chính là hình mẫu của sự kiên trì và tinh thần hợp tác trong đội ngũ giáo viên. Mặc dù gặp phải những thử thách ban đầu khi triển khai nền tảng Khan Academy, các thầy cô luôn chủ động tìm kiếm giải pháp sáng tạo và giúp đỡ đồng nghiệp vượt qua những khó khăn. Nơi đây, sự đổi mới trong giáo dục không chỉ đến từ một người mà là kết quả của sự chung tay, học hỏi lẫn nhau.
Sáng tạo trong dạy và học tại trường Tiểu học Thị Trấn Cẩm Thủy
Tại Trường Tiểu học Thị Trấn Cẩm Thủy, cô Cù Thị Hương cũng đã tìm thấy giải pháp công nghệ cho vấn đề mà nhiều giáo viên gặp phải khi giảng dạy, đặc biệt là trong việc phân bổ bài tập và theo dõi tiến độ học tập của học sinh. Cô Hương chia sẻ: “Nền tảng Khan Academy với hệ thống bài tập đa dạng, phong phú giúp cho giáo viên không phải “đau đầu” soạn bài. Các cô sẽ giao bài tập bổ trợ cho học sinh và đánh giá tiến trình học một cách dễ dàng.”
Với những học sinh có lực học trung bình, việc giao bài tập truyền thống đôi khi không mang lại hiệu quả như mong đợi. Học sinh không chủ động làm bài hoặc gặp khó khăn khi không có sự hướng dẫn kịp thời. Tuy nhiên, khi ứng dụng Khan Academy, cô Hương nhận thấy sự khác biệt rõ rệt. “Hệ thống bài tập trên Khan hướng đến đại trà học sinh, kiến thức không quá khó nên sẽ giảm bớt sự lo lắng cho học sinh. Các em có lực học trung bình cũng tự tin hơn khi làm bài tập, từ đó nâng cao được ý thức tự học, tự giải quyết vấn đề.”
Một điểm đặc biệt mà cô Hương tâm đắc là khả năng học sinh có thể làm bài tập nhiều lần, đến khi chắc chắn kiến thức và đạt kết quả chính xác. “Trước đây, các em thường không chủ động làm bài khi giao bài qua giấy. Nhưng khi được giao bài qua Khan Academy, các em có thể làm đi làm lại cho đến khi hiểu rõ và đúng kết quả, từ đó các em có động lực học tập hơn,” cô Hương chia sẻ.
Thông qua sáng tạo ứng dụng công nghệ, cô Hương không chỉ giúp học sinh nâng cao khả năng học tập mà còn tạo dựng một môi trường học tập tự chủ và tích cực, nơi các em có thể tự tin làm chủ quá trình học của mình. Điều này không chỉ giảm bớt căng thẳng cho học sinh mà còn giúp các em phát triển tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề và đặc biệt là khả năng tự học – một yếu tố rất quan trọng trong thời đại số ngày nay.
Từ những nỗ lực ứng dụng công nghệ trong giáo dục tại Thanh Hóa, có thể thấy rằng, dù công nghệ mang lại những công cụ hỗ trợ hữu ích, nhưng chính tâm huyết và sáng tạo của các thầy cô mới là yếu tố quyết định. Cô Cao Tâm, cô Cù Thị Hương cùng nhiều đồng nghiệp khác đã không ngừng tìm tòi, ứng dụng công nghệ một cách linh hoạt, phù hợp với nhu cầu học sinh, vì họ hiểu rằng mỗi sự đổi mới hôm nay sẽ giúp bước đệm vững chắc để học sinh phát triển trong tương lai. Khi giáo viên chủ động thay đổi và sáng tạo, cả thầy và trò đều có thể tiến xa trên hành trình chinh phục tri thức.
Bài viết liên quan
Từ định kiến tới đam mê: Khi giáo dục trực tuyến mở rộng cánh cửa đưa nữ giới tới “miền đất” STEM
Theo báo cáo của UNESCO, tỷ lệ phụ nữ và trẻ em gái lựa chọn...
Th12
The Vietnam Foundation và Công ty Hoàng Long Computer ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác
Ngày 12/12/2024, Tổ chức The Vietnam Foundation (VNF) đã có buổi ký kết hợp tác...
Th12
Khan Academy Vietnam tạo “cú hích” để giáo dục Miền Đồi bứt phá chuyển đổi số
Chuyển đổi số đã và đang thay đổi diện mạo giáo dục trên khắp cả...
Th12
[Recap] Có gì tại buổi khai giảng lớp học miễn phí: HỌC SAT CHỦ ĐỘNG – CHẠM ƯỚC MƠ
Tối ngày 04/12/2024, buổi khai giảng đầu tiên của lớp học miễn phí: HỌC SAT...
Th12
Khoá học “Kiến thức tài chính cá nhân” hoàn toàn miễn phí giúp nâng cao năng lực tài chính cá nhân cho người Việt
Trong thời đại mà kỹ năng quản lý tài chính cá nhân ngày càng trở...
Th12
Tổ chức tập huấn tăng cường thực hiện Trường học mở KAV trên nền tảng Khan Academy tại Cao Phong (Hoà Bình)
Buổi tập huấn tăng cường của Khan Academy Vietnam (KAV) và Phòng Giáo dục &...
Th12